Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn lần 1 - THPT Đồng Đậu năm 2019

Cập nhật lúc: 16:09 18-11-2018 Mục tin: Môn Văn


Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2019 lần 1 trường trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc có đáp án chi tiết, là tài liệu tham khảo bổ ích cho tất cả các em

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2019 lần 1 THPT Đồng Đậu

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Làm thế nào để hiểu được chính mình là câu hỏi lớn của nhiều người trẻ. Người không trẻ chưa hẳn đã hiểu chính mình, nhưng họ nhiều khi đã ngừng đặt câu hỏi.

Hiểu được bản thân là điều đầu tiên để phát triển, để từ đó làm  việc mình thích và có một cuộc  đời như  mơ ước. Việc này  không phải một  sớm một chiều  có thể  xong  được. Tôi chưa thấy ai một sáng thức dậy bỗng nhận ra rằng bây giờ mình đã hiểu mình là ai.

Mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt. Ai cũng có thế mạnh, sở trường. Điều quan trọng là mình hiểu được mình, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết được mình thích gì, muốn gì, mình phù hợp với cái gì để rồi từ đó mài giũa bản thân theo nó.

Để bắt đầu tìm hiểu chính mình, điều cần làm là ngừng so sánh mình với người khác, ngừng suy nghĩ tiêu cực về bản thân, học cách lắng nghe và yêu thương chính mình.

Muốn khám phá bản thân, có thể dựa vào những cách từ bên ngoài và bên trong.

Về bên ngoài, nếu hoàn toàn mù mờ về bản thân thì bạn có thể bắt đầu bằng những thứ cơ bản: các trắc nghiệm tính cách…

Một cách khác để hiểu bản thân hơn là hỏi. Đặt ra những câu hỏi cho những người xung quanh mình, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, người yêu…những người bạn nghĩ rằng họ hiểu bạn.

Cách tiếp theo để tìm hiểu bản thân là thay vì hỏi người bên ngoài thì tự hỏi chính mình. Dành thời gian yên tĩnh một mình để nhìn vào bên trong, hồi tưởng quá khứ, tìm hiểu những giá trị cốt lõi của bản thân mình.

(Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu– Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn, 2016, tr.42)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính  của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, việc hiểu được bản thân là khó hay dễ? Điều đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm sau của tác giả không: Cách tiếp theođể tìm hiểu bản thân là thay vì hỏi người bên ngoài thì tự hỏi chính mình? Vì sao?
PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Giá trị của bản thân.
Câu 2. (5,0 điểm)

Anh/chị hãy phân tích nhân vật An Dương Vương trong truyền thuyết Truyện An Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, từ đó rút ra bài học giữ nước mà tác giả dân gian muốn gửi gắm.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2019 lần 1 THPT Đồng Đậu

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

 

ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

3,0

1

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

0,5

2

Theo tác giả, việc hiểu được bản thân là điều khó (không phải dễ); hiểu được bản thân để từ đó làm việc mình thích và có một cuộc đời như mơ ước.

0,5

3

Hiểu ý kiến: Mỗi cá nhân trong đời sống có một ngoại hình riêng, một cá tính, tính cách độc lập; có những sở trường, sở đoản… khác nhau.

1,0

4

Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình; lí giải hợp lí, thuyết phục.
Có thể tham khảo cách lí giải sau:
- Quan điểm đồng tình vì: Mình phải là người hiểu bản thân mình rõ nhất khi lắng nghe chính mình một cách trung thực. Hỏi ý kiến những người xung quanh chỉ là một kênh tham khảo.
- Quan điểm không đồng tình vì: Thiếu tính khách quan, dễ né tránh hạn chế, nhược điểm của bản thân.

1,0

II

 

LÀM VĂN

7,0

1

Viết đoạn văn về chủ đề: Giá trị của bản thân. 

2,0

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Giá trị của bản thân. 

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận :Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể tham khảo gợi ý sau:

1,0

* Giải thích:
– Giá trị bản thân là những nội lực riêng biệt của mỗi người về tố chất, trí tuệ, năng lực, kĩ năng…để đi đến thành công trong học tập và làm việc.

*Bàn luận:
–  Ý nghĩa của việc hiểu giá trị bản thân:
+ Biết được điểm mạnh điểm yếu, sở thích, xu hướng, năng lực của bản thân => tạo dựng dấu ấn của riêng mình.
+ Tự tin, tự chủ trong học tập và công việc, tạo được hứng khởi làm tiền đề của thành công.
–  Làm gì để tạo dựng được giá trị bản thân?
+ Quá trình miệt mài học tập rèn luyện sáng tạo.
+ Chăm chút, bồi đắp năng khiếu, sở trường.
+ Tự tin ứng dụng vào cuộc sống để tỏa sáng.
–   Phê phán, bác bỏ:
+ Khẳng định bản thân không phải là tự cao tự đại.
+ Giá trị con người không nằm ở vẻ bề ngoài, không nằm ở tiền bạc, địa vị. Giá trị của mỗi người được đo bằng năng lực, đạo đức, tri thức, nghị lực, lòng nhân hậu, đức hi sinh…

(HS phải lấy được dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề)

* Bài học nhận thức và hành động:
– Học tập, rèn luyện để tự khẳng định mình là mục tiêu tốt đẹp cần phấn đấu.
– Tạo dựng một cuộc sống tôn trọng và phát huy đa sắc giá trị bản thân.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0,25

2

Anh/chị hãy phân tích nhân vật An Dương Vương trong truyền thuyết Truyện An Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, từ đó rút ra bài học giữ nước mà tác giả dân gian muốn gửi gắm.

5,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. 

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:Phân tích nhân vật An Dương Vương trong truyền thuyết Truyện An Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, từ đó rút ra bài học giữ nước mà tác giả dân gian muốn gửi gắm.

0,25

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợpCác luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

 Có thể trình bày theo định hướng sau:

 

c.1.Giới thiệu: truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy”, nhân vật An Dương Vương.

0,5

c.2. Phân tích nhân vật An Dương Vương:

*An Dương Vương trong sự nghiệp giữ nước:

- Xây thành:

+ Thành đắp tới đâu lại lở tới đó.

+ Lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần.

+ Lắng nghe cụ già, mời sứ Thanh Giang giúp đỡ.

=> có lòng kiên trì quyết tâm, có ý thức đề cao cảnh giác.

- Chế nỏ

+ Nhà vua băn khoăn: “Nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống”

+ Rùa Vàng cho vuốt làm lẫy nỏ.

=> được giúp đỡ vì có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước.

- Bảo vệ đất nước: đánh tan quân xâm lược Triệu Đà.

- An Dương Vương chiến thắng quân xâm lược do:

+ Có thành ốc kiên cố.

+ Có nỏ thần kì diệu trăm phát trăm trúng.

+ Đặc biệt là có tinh thần cảnh giác cao độ, ý thức trách nhiệm cao với đất nước.

è An Dương Vương là vị vua tài trí, anh minh, sáng suốt, có trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cao, quyết tâm sẵn sàng đánh giặc giữ nước, được thần linh và nhân dân ủng hộ.

An Dương Vương và bi kịch nước mất nhà tan:

- Nguyên nhân:

+ Nhận lời cầu hòa, cầu hôn, cho Trọng Thủy ở rể mà không đề phòng, giám sát.

+ Lơ là trong việc phòng thủ.

+ Chủ quan khinh địch, quá ỷ lại vào vũ khí.

à Mơ hồ về bản chất ngoan cố và âm mưu thâm độc của kẻ thù, mất cảnh giác trầm trọng, tạo cơ hội cho kẻ thù vào sâu lãnh thổ.

- Hậu quả: Đất nước rơi vào tay giặc.

- Hành động của vua:

+ Phải cùng con gái chạy về phương Nam.

+ Cầu cứu sứ Thanh Giang và biết kẻ ngồi sau lưng chính là giặc.

+ Chém đầu Mị Châu: thể hiện sự dứt khoát, quyết liệt, đặt nghĩa nước trên tình nhà.

+ Cầm sừng tê giác theo Rùa Vàng xuống biển=> sự bất tử của An Dương Vương.

- Ý nghĩa của những hư cấu nghệ thuật:Thể hiện lòng kính trọng của nhân dân đối với thái độ dũng cảm, kiên quyết đặt nghĩa nước (cái chung) lên trên tình nhà (cái riêng) của An Dương Vương.

2,75

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Kết cấu chặt chẽ đến hoàn mĩ.

- Cốt truyện li kì, hấp dẫn.

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố lịch sử và yếu tố kì ảo…

0,25

c.3. Bài học giữ nước mà tác giả dân gian muốn gửi gắm:

Luôn đề cao tinh thần cảnh giác với kẻ thù, xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng với chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân và cộng đồng.

0,5

d. Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25

                         TỔNG ĐIỂM: 10,0

 

 

Theo TTHN

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

Các bài khác cùng chuyên mục

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2016, 2015, 2014 và nhiều năm trước của tất cả các tỉnh thành trên cả nước cũng như đề thi thử vào lớp 10 các môn toán học, ngữ văn, tiếng anh từ sở giáo dục và các trường THPT,THCS có đáp án và lời giải chi tiết